Anh công bố ngày 13-9 cho thấy từ ngày 2-1 đến ngày 2-7 có 640 ca tử vong là người đã tiêm 2 liều vắc xin

Số liệu được Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 13-9 cho thấy từ ngày 2-1 đến ngày 2-7 năm nay có 51.281 ca tử vong liên quan COVID-19 được ghi nhận. Trong đó có 38.964 trường hợp là người chưa tiêm chủng. ONS cũng ghi nhận 640 ca tử vong là người đã tiêm 2 liều vắc xin, bao gồm cả những người đã bị nhiễm trước khi được tiêm, chiếm khoảng 1,2% số ca tử vong vì COVID-19.

I. Nghiên cứu ca tử vong dù đã tiêm 2 mũi vắc xin

Đi sâu phân tích, ONS nhận thấy cần phải có một khái niệm mới và cơ quan này đưa ra khái niệm “tử vong đột phá” (breakthrough death) để mô tả những người đã tiêm đủ 2 liều và có kết quả dương tính ít nhất 14 ngày sau mũi tiêm cuối.

2 tuần từ mũi tiêm thứ hai là tiêu chí đang được một số quốc gia sử dụng để công nhận một cá nhân đã tiêm chủng đầy đủ. Dù đã tiêm mũi 2, nhưng chưa quá 14 ngày cũng không được tính là tiêm đầy đủ.

Tổng cộng có 256 trường hợp “tử vong đột phá” được ghi nhận ở Anh từ ngày 2-1 đến ngày 2-7. Đây cũng là giai đoạn biến thể Delta xuất hiện tại Anh và vượt qua biến thể Alpha về số ca mắc.

Khái niệm mới này dựa trên một khái niệm khác là “nhiễm đột phá”, chỉ những người đã tiêm đủ liều vắc xin như khuyến cáo nhưng vẫn bị nhiễm. Phần lớn số ca nhiễm đột phá ở các nước là mắc biến thể Delta.

Phân tích sâu hơn các ca “tử vong đột phá”, ONS nhận thấy có 13,1% ca “tử vong đột phá” là người suy giảm miễn dịch, 61,1% bệnh nhân là nam giới và độ tuổi trung bình là 84. Đây cũng là nhóm tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ bị tổn thương nhất trong dịch COVID-19.

Julie Stanborough, chuyên gia thuộc ONS, giải thích: “Phân tích mới của chúng tôi cho thấy điều đáng buồn là đã có những người tử vong liên quan đến COVID-19, dù họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19 ở những người được tiêm chủng đầy đủ thấp hơn nhiều so với những người không được chủng ngừa”.

Ngoài “tử vong đột phá”, ONS cũng thống kê số ca tử vong ở nhóm đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin theo từng giai đoạn: trong 21 ngày sau khi tiêm và sau 21 ngày.

Kết quả cho thấy có 4.388 người chết vì COVID-19 trong vòng 21 ngày sau khi tiêm mũi 1 và 7.289 người chết do COVID-19 sau 21 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên.

Thống kê này cho thấy người dân không nên chủ quan sau khi tiêm mũi 1. Giới chuyên gia trước đó đã cảnh báo mặc dù mũi 1 đã bắt đầu tạo kháng thể, vắc xin chỉ đạt được hiệu quả bảo vệ toàn diện khi tiêm đủ 2 mũi.

Niềm tin chung là những người lớn tuổi và có bệnh nền thì dễ bị tổn thương vì COVID-19. Phần lớn các nước cũng tập trung tiêm chủng cho những nhóm này.

Việc ONS thống kê số ca “tử vong đột phá” cho thấy đâu là nhóm dễ bị tổn thương nhất và cần phải có các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn tiêm tăng cường mũi 3, nếu muốn hạn chế tử vong vì COVID-19.

II. Không có vắc xin nào hiệu quả bảo vệ 100%

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố được phân bổ hơn 6,16 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó số vắc xin đã tiếp nhận là hơn 5,96 triệu liều. Đến 18h ngày 22-9, các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố đã triển khai tiêm được gần 6,5 triệu mũi, bao gồm hơn 5,7 triệu mũi 1 (đạt 95,1% dân số hơn 18 tuổi và 69% tổng dân số Hà Nội), tiêm được hơn 753 nghìn mũi 2 (đạt 12,5% dân số trên 18 tuổi và đạt 9,07% tổng dân số).

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khẳng định, không có vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Với vắc xin phòng Covid-19, loại cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 85-87%. Vì vậy, kể cả tiêm đủ hai mũi vắc xin cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người.

Trong 8 loại vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại nước ta, vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được tiêm nhiều nhất. Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

“Do đó, không phải cứ tiêm vắc xin là không thể mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu người dân được tiêm vắc xin sẽ giúp khi mắc bệnh không chuyển biến nặng, giảm nguy cơ tử vong”, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, cần xác định tiêm hai mũi vắc xin là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng.

“Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

III. Quan trọng là tuân thủ quy định “5K”

Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã cơ bản được khống chế. Vì vậy, nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin đã chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vắc xin thì không thể nhiễm bệnh. Đó thực sự là sai lầm. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch.

“Vắc xin giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống vi rút ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm bệnh. Có những nghiên cứu cho rằng có những trường hợp khi nhiễm, nồng độ vi rút ở hầu họng của người tiêm và chưa tiêm giống nhau. Do đó, người tiêm khi nhiễm sẽ truyền bệnh cho người khác, nguy hiểm nhất là truyền bệnh cho trẻ em, người già, người có bệnh nền, đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Bởi vì với người già, người có bệnh nền khi nhiễm vi rút dễ mắc nặng và tử vong”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.

Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn đối với người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin để họ có thể đi lại, làm việc. Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cấp thẻ xanh cho người đã tiêm mũi một vắc xin. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội không nên nóng vội khi đa số người dân mới vừa được tiêm một mũi vắc xin. Trước diễn biến dịch trên thế giới cũng như trong nước còn phức tạp, Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ lây lan dịch. Do đó, không thể loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh ra khỏi cộng đồng.

“Việc thực hiện “5K” vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lại thì chúng ta phải giãn cách lại từ đầu”, PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đưa ra khuyến cáo, ngay cả những người đã tiêm hai mũi vắc xin vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

                                                                                                                         Nguồn: Tuổi Trẻ, Hà Nội Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *